Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ(PCCC và CNCH) là công tác là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho sự phát triển kinh tế, xã hội
Làm tốt công tác PCCC chính là nâng cao hiệu quả ổn định tình hình và phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương; đòi hỏi các cấp, các ngành, hệ thống chính trị cần tập trung quyết liệt, giải pháp kiềm chế không để cháy, nổ xảy ra; nhất là ở các địa bàn xã, bản, bởi vì tất cả các vụ cháy, nổ đều xảy ra ở khu dân cư, ở địa bàn cơ sở.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với tình hình an ninh, trật tự; sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương; lực lượng Công an xã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, điều phối công tác trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, đề cao tính chủ động, phòng ngừa, tuyên truyền và nâng cao ý thức, nhận thức phòng, chống cháy nổ trong nhân dân, thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra tình huống đối với 100% các hộ dân trên địa bàn xã, đồng thời tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình trên địa bàn, nhất là số hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Tăng cường củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm liên quan đến PCCC; tổ chức ra mắt mô hình và duy trì hoạt động Tổ liên gia an toàn về PCCC và CNCH; lắp đặt các thiết bị cần thiết tại điểm chữa cháy công cộng; thực tập phương án chữa cháy đối với cấp tổ, bản và tình huống cháy xảy ra tại nhà trường, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn…qua đó trang bị được những kiến thức cần thiết cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân trong việc tự chấp hành, tự trang bị thiết bị PCCC; tự kiểm tra an toàn trong phạm vi cơ quan, đơn vị và hộ gia đình mình.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy nổ trên địa bàn xã vẫn tiếp tục tiềm ẩn những nguy cơ cao, do tốc độ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng lớn; hàng hóa, đồ tiêu dùng đa dạng, phong phú, trong khi đó các hộ gia đình chưa thực hiện đúng, đủ các quy chuẩn về an toàn PCCC, nhất là các hộ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, những nguy cơ đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ xã đến bản; các ban ngành, đoàn thể phải chú trọng nâng cao cảnh giác, đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả, thiết thực, trong đó việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân phải được quan tâm đặt lên hàng đầu; nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã trong tham mưu, hướng dẫn và tổ chức duy trì, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống cháy, nổ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm đảm bảo tính thống nhất, tính tuyên truyền và tính răn đe đồng thời có phương án xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.

Để công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đi vào nề nếp, ngoài công tác kiểm tra, xử lý, cần coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, từ đó làm giảm hoặc không để xảy ra cháy, nổ nghiêm trọng; bảo vệ tính mạng của người dân chính là bảo vệ an ninh con người, là mục tiêu cao nhất của bảo vệ an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Để đạt được điều này, cần phát huy hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ”(chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ); xây dựng và nhân rộng mô hình, phong trào như: Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời và chống cháy, nổ một cách hiệu quả nhất đồng thời khuyến cáo các hộ gia đình, người dân thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
- Không để các vật dễ cháy gần các thiết bị điện, tiêu thụ điện.
- Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ xăng dầu phải để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Tuyệt đối không được câu, mắc điện; dây điện phải lắp đặt gọn gàng; không được dùng quá nhiều thiết bị điện chung một ổ cắm, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không lắp đặt cầu dao, ổ cắm điện ở nơi ẩm ướt, tránh xa tầm tay trẻ em.
- Không hâm, hầm, nấu đồ ăn khi không có người trông coi; không để người già, trẻ em, người tàn tật, người có vấn đề về thần kinh sử dụng các thiết bị điện.
- Nhà ở phải có lối thoát nạn, cứu người phù hợp(lưu ý người già, trẻ nhỏ, người tàn tật…); chuẩn bị sẵn vật dụng chữa cháy cần thiết trong nhà(nước, khăn, bình chữa cháy…). Mọi người trong gia đình cần phải tham gia các khóa tập huấn, thực hành thành thạo các dụng cụ chữa cháy.
- Khi xảy ra cháy thì việc đầu tiên là bạn hãy tìm cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC hoặc Công an nơi gần nhất.